Dư luận đặt nghi vấn trước tình trạng sai phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng ở thôn Thái Phù (Sóc Sơn, Hà Nội) có đang được “dung túng”?
Trong bài viết trước, Báo Tri thức và Cuộc sống đã đề cập đến thông tin người dân thôn Thái Phù (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), phản ánh thời gian gần đây, trên địa bàn xã Mai Đình xuất hiện tình trạng những ngôi nhà 3, 4 tầng “mọc như nấm sau mưa” khang trang trên nền đất giao thầu, đất nông nghiệp chưa được cấp sổ đỏ.
Điều khiến người dân bức xúc là tình trạng các công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng trên diễn ra hàng ngày, công khai, rầm rộ nhưng người dân không thấy chính quyền sở tại ngăn chặn kịp thời, cưỡng chế hay xử lý dứt điểm?
Các công trình bị người dân phản ánh vi phạm trật tự xây dựng khu vực sau nhà máy chè Kim Anh. (Ảnh: Người dân cung cấp). |
Nói về vấn đề này, luật sư Lê Giang Nam – Văn phòng luật sư An Việt (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc xây dựng trái phép (sai phép) là hành vi của tổ chức, cá nhân khi xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp.
Còn xây dựng không phép là hành vi của tổ chức, cá nhân khi khởi công xây dựng mà không có giấy phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp được miễn.
Theo ông Nam, pháp luật đã quy định rất rõ xử phạt khi xây dựng sai phép, trái phép, không phép. Tuy nhiên, việc xử phạt cũng tùy thuộc vào từng loại giấy phép xây dựng và tuỳ vào mức độ vi phạm mà mức xử phạt sẽ khác nhau.
Ngoài việc bị phạt tiền thì cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm nếu không được điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Người dân đang đặt nghi vấn trước tình trạng sai phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng ở thôn Thái Phù (Sóc Sơn, Hà Nội) có đang được ai “dung túng”? |
Luật sư Lê Giang Nam viện dẫn, theo quy định tại khoản 9 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; xử phạt đối với hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp, tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng, tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng… như sau:
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác; Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
Phạt tiền từ 950 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với xây dựng công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng hoặc xây dựng công trình.
Cùng với việc xử phạt, các công trình xây xây dựng sai phép, xây dựng trái phép, xây dựng không giấy phép có thể bị áp dụng nhiều biện pháp yêu cầu khắc phục hậu quả.
Theo luật sư Lê Giang Nam, trong những năm qua, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường trên địa bàn phải xử lý nghiêm các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép.
Đặc biệt, UBND thành phố xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã trong các trường hợp tiếp tục để xảy ra vi phạm, không xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng sai phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép tràn lan ở xã Mai Đình vẫn đang diễn ra một cách công khai, liên tục người dân ai cũng đều trông thấy. Điều này khiến vị luật sư thắc mắc, vì sao không thấy chính quyền sở tại xử lý dứt điểm?
“Phải chăng những sai phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng nêu trên đang được ai đó “dung túng”?, vị luật sư đặt câu hỏi.
Để kịp thời ngăn chặn các vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là xử lý dứt điểm tình trạng những công trình “mọc” trên nền đất giao thầu, đất nông nghiệp chưa được cấp sổ đỏ ở xã Mai Đình, luật sư Lê Giang Nam cho rằng trên cơ sở thông tin của người dân, báo chí đã phản ánh các cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn; UBND TP Hà Nội cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm nếu có phát hiện sai phạm.
Ông Nguyễn Quý Thịnh (SN 1974, thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cho biết, ngày 6/5/2022, ông đã gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Mai Đình; ông Nguyễn Văn Long – Phó Chủ tịch xã Mai Đình, Công chức Địa chính, Cán bộ tổ quản lý trật tự xã Mai Đình về hành vi cố tình bao che, không xử lý sai phạm trong việc sử dụng đất đai trái mục đích; bao che các sai phạm trong xây dựng công trình trên địa bàn xã Mai Đình đến UBND huyện Sóc Sơn.
Sau đó, ông Thịnh đã được huyện Sóc Sơn mời lên làm việc. Tuy nhiên, ông Thịnh cho biết tại phòng Thanh tra huyện, cán bộ huyện đã yêu cầu ông phải cung cấp họ tên chủ của các công trình xây dựng trái phép.
Mặc dù không biết chính xác họ tên các chủ công trình, nhưng ông Thịnh đã cung cấp hình ảnh những ngôi nhà xây dựng trái phép, địa chỉ cụ thể của các công trình đó, thậm chí ông ngỏ ý muốn dẫn thanh tra huyện đến hiện trường. Đến ngày 25/5/2022, ông Thịnh nhận được thông báo của UBND huyện Sóc Sơn do Phó Chủ tịch Phạm Quang Ngọc ký, cho biết đơn thư của ông không được thụ lý giải quyết. Lý do là nội dung tố cáo chung chung, không cụ thể, không đủ cơ sở để kiểm tra xác minh theo quy định của luật tố cáo.
Hiện tại, ông Thịnh tiếp tục làm đơn thư gửi các cơ quan chức năng TP Hà Nội.
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.
Nguồn: Kienthuc.net.vn