Chiều nay, toà tuyên án cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn

(VTC News) – 

Sau 2 ngày nghị án, chiều 21/4, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án ông Nguyễn Quang Tuấn và 11 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Trong vụ án này, ông Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) là tâm điểm chú ý của dư luận xã hội. Trước khi vướng lao lý, ông Tuấn được nhiều người đánh giá là “bàn tay vàng” trong phẫu thuật tim.

Tiếc nuối bàn tay vàng – ông Tuấn ‘Tim’

Nói lời sau cùng trước toà, ông Tuấn dành phần lớn thời gian để trình bày về cuộc đời y nghiệp gắn liền với những công trình nghiên cứu, quá trình phát triển Bệnh viện Tim Hà Nội.

“Mỗi năm chúng tôi mổ miễn phí trung bình được khoảng 400 trường hợp trẻ em bị tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong gần 8 năm tôi làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, hơn 3.000 cháu được trở về gia đình, cuộc sống với trái tim mạnh khoẻ”, ông Tuấn giãi bày.

Ông Tuấn gửi lời xin lỗi tới cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai vì “hành vi của bị cáo làm tổn thương đến cán bộ, hình ảnh uy tín của 2 bệnh viện”.

Thừa nhận những sai phạm của bản thân trong vụ án, ông Tuấn mong các cán bộ, nhân viên y tế của 2 bệnh viện mà ông từng làm giám đốc lấy đó làm bài học đau buồn, để họ tránh vấp phải lỗi lầm tương tự. Bị cáo mong họ vượt qua khó khăn để chăm sóc tốt hơn nữa cho các bệnh nhân.

“Trong vụ án này tôi nhận thức sâu sắc được vai trò của mình, tôi không có biện hộ nào cho hành vi của mình, mong toà có đánh giá nhân văn hơn nữa cho tôi cơ hội sớm trở về với gia đình, xã hội, tiếp tục đóng góp trong khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đặc biệt đào tạo nhiều bác sĩ tim mạch trong tương lai”, ông Tuấn nói trước toà.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Nguyễn Quang Tuấn.

Trong quá trình trả lời xét hỏi tại tòa và khi nói lời sau cùng, cựu Giám đốc bệnh viện Nguyễn Quang Tuấn nhiều lần gửi lời xin lỗi đến các bị cáo là lãnh đạo các công ty đã cung cấp vật tư y tế cho bệnh viện. Ông Tuấn cũng xin hội đồng xét xử giảm án cho những người này.

Ông Tuấn xin lỗi ông Nguyễn Đức Đảng (SN 1976, cựu Chủ tịch Công ty Hoàng Nga) cùng những người ở công ty với biện minh rằng “chỉ vì chuyện bệnh viện mượn vật tư y tế mà họ vướng lao lý và ra tòa”.

Trong phần bào chữa, luật sư Bùi Đình Ứng cho biết cuối buổi chiều phiên xử hôm 17/4, một bệnh nhân vỡ tim từng được bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn cứu sống gửi đơn viết tay xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu giám đốc bệnh viện.

Đơn này đã được luật sư gửi đến hội đồng xét xử. Theo đó, ông Lương Minh Kỷ (72 tuổi, trú tại Hải Dương) dùng chính phiếu khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội, bên mặt sau còn trống để viết đơn xin giảm nhẹ cho bác sĩ Tuấn.

Theo đơn, năm 2014, ông Kỷ nhập viện cấp cứu vì nhồi máu cơ tim, tính mạng sức khỏe “ngàn cân treo sợi tóc”. Khi ấy, ông Tuấn đã trực tiếp có mặt, quyết định mổ cho ông Kỷ ngay tại giường bệnh, bỏ qua các bước thủ tục thông thường. Nhờ vậy, ông Kỷ thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, dù gia đình đã chuẩn bị tinh thần lo hậu sự.

Ông Kỷ viết: “Không chỉ bản thân mà rất nhiều bệnh nhân khác cũng từng được ông Tuấn cứu sống, vì vậy tha thiết đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho cựu giám đốc, để bị cáo có cơ hội sớm trở về phục vụ xã hội”.

Thông qua lá đơn trên, luật sư cho rằng ông Nguyễn Quang Tuấn đã từng làm sai quy trình để giữ lại mạng sống cho người bệnh. Nếu theo đúng quy trình, bệnh nhân sẽ phải nhập viện, thăm khám, chỉ định… rồi mới phẫu thuật, nhưng nhờ quyết định mang tính đột phá của ông Tuấn, bệnh nhân đã thoát khỏi cửa tử.

Từ câu chuyện này, luật sư Bùi Đình Ứng nói việc chỉ định các gói thầu năm 2017 dù có thể không đúng quy trình nhưng cần được xem xét trong bối cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, đó là nhu cầu cứu chữa người bệnh rất lớn mà vật tư y tế lại đang thiếu.

3 bố con vướng lao lý

Công ty Hoàng Nga, đơn vị bị cáo buộc thu lợi bất chính 47 tỷ đồng, là công ty nhiều năm hoạt động về lĩnh vực cung ứng thiết bị y tế có 3 bị cáo cùng bị buộc tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo này gồm: Nguyễn Đức Đảng (SN 1976, cựu Chủ tịch Công ty Hoàng Nga), Phạm Huy Lập (SN 1952, cựu Giám đốc Công ty Hoàng Nga, bố vợ bị cáo Đảng) và Phạm Thị Kim Oanh (SN 1981, cựu Kế toán Công ty Hoàng Nga, vợ bị cáo Đảng).

Trình bày trước toà, các bị cáo nói Hoàng Nga là công ty gia đình, cả 3 bố con ông Lập đều không có chuyên môn về y học. Công ty chủ yếu do Oanh điều hành, quản lý và để chồng làm Chủ tịch, nhờ bố đẻ (kỹ sư về hưu) đứng tên Giám đốc, đại diện doanh nghiệp.

Bị cáo Nguyễn Đức Đảng.

Đối với bị cáo Nguyễn Đức Đảng, tại phiên toà, bị cáo nói sau khi xảy ra vụ án, bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, đồng thời nhận hết trách nhiệm về mình thay cho các bị cáo khác, bị cáo đã nỗ lực khắc phục hậu quả được 32 tỷ đồng.

Ông Đảng cho rằng việc ký gửi trước các hàng hoá cho bệnh viện sử dụng trước là vì thời điểm đó, phía bệnh viện thiếu hụt vật tư thiết bị để chữa bệnh, và vì có mối quan hệ thân quen trước đó với ông Tuấn, dó đó ông đã đồng ý cho bệnh viện mượn trước vật tư thiết bị để dùng và trả tiền sau.

Tại phiên toà, luật sư Lê Giang Nam người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Đảng phân tích, việc phải vay mượn, sử dụng vật tư trước là để phục vụ nhu cầu cấp bách khám chữa bệnh và cấp cứu bệnh nhân trong thời gian chờ kết quả đấu thầu tập trung. Trong khi chờ ý kiến của thành phố thì bệnh viện hết vật tư phục vụ chữa bệnh và cấp cứu cho bệnh nhân.

Ông Nguyễn Quang Tuấn đã phải đề nghị Công ty Thiết bị y tế Hoàng Nga cho vay mượn một số trang thiết bị y tế, từ đó một số phòng chuyên môn sử dụng các vật tư ký gửi nên có một số vật tư đã dùng trước khi có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu.

Luật sư Lê Giang Nam bào chữa cho bị cáo.

Do mối quan hệ thân quen từ trước nên ông Đảng đã đồng ý cho Bệnh viện Tim Hà Nội mượn trước một số thiết bị như stent, dụng cụ thả dù, dù đóng ống động mạch… để thực hiện việc cấp bách cứu chữa người bệnh kịp thời giữ tính mạng.

“Việc làm của các bác sĩ đều nhằm mục đích phục vụ công tác chữa bệnh và cấp cứu cho bệnh nhân mà không có mục đích vụ lợi nào khác. Rất mong hội đồng xét xử xem xét trong bối cảnh bất khả kháng đó. Không có vật tư tiêu hao thì không thể chữa bệnh và cấp cứu cho bệnh nhân được. Với lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc, không thể để bệnh nhân chết vì thiếu vật tư do thầu tập trung quá muộn”, luật sư Lê Giang Nam trình bày.

Người bào chữa cho rằng, trong vụ án này, nguyên nhân dẫn đến việc Công ty Hoàng Nga trúng thầu một số dự án về thiết bị y tế của Bệnh viện Tim Hà Nội là do sự thiếu hiểu biết về luật đấu thầu của người quản lý doanh nghiệp và cũng là vì lo cho sự sống của những người bệnh tại Bệnh viện Tim. Tuy nhiên, hành vi trên theo quy định pháp luật là hành vi không được làm, do đó bị cáo Nguyễn Đức Đảng và các thành viên Công ty Thiết bị y tế Hoàng Nga đã vi phạm pháp luật.

Luật sư lập luận, từ đó cho thấy bị cáo Đảng không có ý định từ đầu thông thầu, việc xảy ra hành vi vi phạm này nguyên nhân một phần từ việc nguồn cung ứng thiết bị y tế không đủ cho nhu cầu thực tế sử dụng đối với bệnh viện tuyến đầu cả nước.

Ngày 18/4, ông Tuấn bị Viện kiểm sát đề nghị với mức án 4 đến 5 năm tù về tội Vi phạm quy định trong đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo khác cùng nguyên là cán bộ nhân viên Bệnh viện Tim Hà Nội bị đề nghị từ 24 đến 42 tháng tù.

Viện kiểm sát cũng đã đề nghị Tòa án tuyên phạt Nguyễn Đức Đảng từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù; Phạm Huy Lập từ 24 đến 30 tháng tù (cho hưởng án treo) và Phạm Thị Kim Oanh từ 24 đến 30 tháng tù.

MINH TUỆ
4.5/5 - (14 bình chọn)