Tranh chấp đất đai hòa giải tại xã không thành phải làm thế nào

Câu hỏi tư vấn: Gia đình em và hàng xóm có tranh chấp đất và hàng xóm nhà em đã kiện lên UBND, người trên UBND đã xuống đo đất cả hai nhà nhưng kết quả là cả hai nhà đều thiếu. Đất nhà em còn bị thiếu nhiều hơn so với hàng xóm nhưng bên hàng xóm vẫn cho rằng nhà em đã lấn chiếm đất nhà họ. Họ nói sẽ tiếp tục kiện cho bằng được. Bây giờ gia đình em phải làm sao ạ khi hai bên đã hòa giải những không được?

Tranh chấp đất đai hòa giải tại xã không thành phải làm thế nào
                      Tranh chấp đất đai hòa giải tại xã không thành phải làm thế nào

Luật sư tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Với thắc mắc của bạn, VPLS An Việt xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

Theo quy định của pháp luật thì Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải tại cơ sở. Như vậy, trường hợp của gia đình bạn đã tiến hành hòa giải tranh chấp lại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất nhưng vẫn không thành thì được giải quyết theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013 như sau:

“1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lưa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;”

Tuy nhiên, do bạn không cung cấp cụ thể thông tin về việc hai gia đình đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 hay chưa nên đặt ra hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Nếu đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì tranh chấp đất đai sẽ do Tòa án nhân dân giải quyết.

Căn cứ quy định tại Điều 26, Điều 35, Điều 39 BLTTDS 2015, tranh chấp đất đai của hai gia đình sẽ được giải quyết tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất.

Trường hợp 2: Nếu đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì đương sự được lựa chọn một trong hai hình thức để giải quyết tranh chấp đất đai:

– Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền, theo đó: Khoản 3 Điều 203 quy định về Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện, một trong hai bên có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất giải quyết.

– Khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất giải quyết.

Như vậy, nếu gia đình bạn và hàng xóm hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã không thành thì gia đình bạn có thể tham khảo những phương thức giải quyết về tranh chấp đất đai trên.

Để được tư vấn chi tiết vụ việc, Anh chị vui lòng liên hệ với luật sư theo số 0982205385 hoặc trực tiếp đến Văn phòng Luật sư An Việt để được Luật sư tư vấn cụ thể.

Trân trọng cám ơn!

5/5 - (1 bình chọn)