Người vay nợ không trả nợ

Câu hỏi tư vấn: Mẹ tôi có cho ông B hàng xóm vay 500 triệu vào tháng 3 năm 2014, lãi suất 4%/tháng bằng giấy tờ viết tay, thỏa thuận trả lãi hàng tháng, khi nào ông B trả gốc toàn bộ tiền gốc hoặc mẹ tôi cần thì thông báo trước 15 ngày. Tuy nhiên, ông B chỉ trả lãi suất trong 3 tháng đầu. Ngay sau khi ông B không trả lãi hàng tháng, mẹ tôi đã nhiều lần yêu cầu ông B trả toàn bộ khoản nợ nhưng ông B không trả. Đến nay đã 4 năm, nhưng ông B không trả thêm bất kỳ số tiền gốc hay lãi nào. Thời hiện khởi kiện đòi nợ còn hay không? Mẹ tôi có thể khởi kiện được không? Giấy vay nợ viết tay mẹ tôi còn giữ.

Người vay nợ không trả nợ
                                                    Người vay nợ không trả nợ

Xem thêm: Chia tiền bồi thường đất trong trường hợp có di chúc

Luật sư tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban tư vấn Văn Phòng Luật Sư An Việt. Với thắc mắc của bạn, VPLS An Việt xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

Luật áp dụng:

– Bộ luật Dân sự 2015.

– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Về nguyên tắc, việc áp dụng quy định thời hiệu khởi kiện vụ án là do yêu cầu của một hoặc các bên.

Điều 184. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự (BLTTDS)

  1. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.
  2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.”

Trường hợp áp dụng quy định về thời hiệu, thì thời hiệu khởi kiện hợp đồng vay tài sản là 03 năm kể từ ngày mẹ bạn biết hoặc phải biết quyền và nghĩa vụ của mình bị xâm phạm.

“Điều 429. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng (BLDS)

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”

Với trường hợp của mẹ bạn, mẹ bạn muốn khởi kiện ông B để yêu cầu ông B thực hiện hợp đồng vay tài sản, Giấy vay tiền được ký từ tháng 3 năm 2014, thời điểm mẹ bạn biết được việc ông B không thực hiện nghĩa vụ trả là tháng 7 năm 2014. Đồng thời, ngay sau khi mẹ bạn biết được việc ông B không trả lãi, mẹ bạn đã nhiều lần yêu cầu ông B trả cả gốc và lãi. Như vậy, đến năm 2018, thời hiệu khởi kiện yêu cầu thực hiện hợp đồng vay tài sản đã hết.

Tuy nhiên, trường hợp mẹ bạn khởi kiện yêu cầu đòi tài sản là 500 triệu đồng, thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Điều 155. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện (BLDS)

Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

  1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
  2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
  3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
  4. Trường hợp khác do luật quy định.”

Như vậy, mẹ bạn vẫn có thể khởi kiện ông B yêu cầu ông B trả lại 500 triệu đồng đã vay, nhưng không thể yêu cầu ông B trả lãi suất được cho khoản vay này.

Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung mà bạn hỏi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, bạn vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: P.1108 Toà nhà N02 Số 35 Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội. Điện thoại: 0982 205 385/ 0944 555 975.

Trân trọng!

Xem thêm bài viết khác: Con ở nước ngoài ủy quyền cho cha mẹ chuyển nhượng đất

Đánh giá