Câu hỏi tư vấn: Vợ chồng em gái tôi bị tai nạn xe cộ khiến em tôi mất năng lực hành vi dân sự và chồng của em tôi qua đời. Hai em có một con gái 3 tuổi. Tôi muốn được làm người giám hộ cho cả hai mẹ con em tôi có được không?
Xem thêm: Những trường hợp nào sử dụng hình ảnh của người khác mà không cần xin phép ?
Luật sư tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Với thắc mắc của bạn, VPLS An Việt xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Luật áp dụng: |
– Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) |
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.Trước hết, để được làm người giám hộ, bạn phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 49, cụ thể:
– Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
– Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
Bạn có thể giám hộ cho nhiều người (Điều 48).
Bạn mong muốn được làm người giám hộ cho em gái và cháu gái, tuy nhiên, bạn chưa cung cấp cho chúng tôi thông tin của những người giám hộ đương nhiên của họ. Đồng thời, việc giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự và người chưa thành niên có những điểm khác nhau. Vì vậy, chúng tôi trả lời theo hai nội dung sau:
- Giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự
“Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
- Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.”
Chồng em bạn đã qua đời, cháu gái chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, do đó, cha mẹ bạn là người giám hộ đương nhiên của em bạn.
Trường hợp cha mẹ bạn còn sống, thì cha mẹ bạn là người giám hộ của em bạn.
Trường hợp cha mẹ bạn đã qua đời, bạn có thể thực hiện thủ tục đề nghị UBND cấp xã nơi cư trú của em bạn để đề nghị được làm người giám hộ.
- Giám hộ người chưa thành niên
“Điều 52. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:
- Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
- Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
- Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.”
Với trường hợp của cháu bạn, cũng phải xem xét việc ông bà nội ngoại của cháu còn sống hay không.
Trường hợp tất cả hoặc một trong các ông bà nội ngoại của cháu còn sống, thì họ là người giám hộ của cháu.
Trường hợp ông bà nội ngoại của cháu đã qua đời, thì bạn là một trong những người giám hộ đương nhiên của cháu.
Như vậy, trường hợp cha mẹ bạn còn sống, hoặc/và cha mẹ chồng em bạn còn sống, thì bạn không thể là người giám hộ của cả hai mẹ con em gái bạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp cha mẹ bạn và cha mẹ chồng em bạn đã qua đời, thì bạn có thể giám hộ cả hai mẹ con.
Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung mà bạn hỏi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, bạn vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: P.1108 Toà nhà N02 Số 35 Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội. Điện thoại: 0982 205 385/ 0944 555 975.
Trân trọng!
Xem thêm bài viết: Trường hợp ngày sinh trên giấy tờ cá nhân không khớp nhau