Câu hỏi tư vấn: A và B là hàng xóm của nhau và chăn vịt trên cùng một cánh đồng. Một lần A tát nước tại một đoạn mương để lấy thức ăn cho vịt, khi nước cạn chưa kịp lùa vịt xuống thì B đã cho đàn vịt của mình ào xuống ăn. Thấy vậy hai bên xảy ra mâu thuẫn cãi nhau, A đuổi đánh B trên đồng. Do đồng ngập nước nên B không chạy nhanh được và ngã sấp mặt trên bờ ruộng. Lúc này A đuổi kịp và dùng dao đâm vào đùi B làm đứt động mạch. B đã được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do đường xa nên B đã chết. Hỏi A phạm tội gì?
Xem thêm: Trách nhiệm hình sự khi phạm tội cố ý gây thương tích.
Luật sư tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Với thắc mắc của bạn, VPLS An Việt xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Định tội danh là việc xác định hành vi khách quan thoả mãn cấu thành một tội phạm nhất định được quy định trong Bộ luật hình sự. Cấu thành tội phạm được xem là cơ sở pháp lý duy nhất để định tội, là mô hình pháp lý có dấu hiệu cần và đủ để xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Vì thế cần nhận thức đúng bản chất các dấu hiệu cấu thành tội phạm trong quá trình định tội làm tiền đề cho việc xác định khung hình phạt và quyết định hình phạt được chính xác, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.
Để xác định tội danh của A cần căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm:
– Về chủ thể: A sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự kh A thỏa mãn về độ tuổi và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
– Về khách thể: Hành vi của A đã xâm phạm đến tính mạng của B. Xâm phạm đến quyền được sống và quyền được bảo vệ tính mạng của B.
– Về mặt khách quan
Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan.
Trong tình huống trên “A đã có hành vi đuổi đánh B do B đã lùa đàn vịt của mình ào xuống đoạn mương mà A vừa tát cạn để lấy thức ăn cho đàn vịt của mình”
Ở đây, B đã cố tình thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền lợi của A mà dẫn đến A bực tức đuổi đánh B trên đồng.
Xét tính chất nguy hiểm của hành vi: Hành vi của A ở đây tuy chỉ mang ý đuổi đánh B nhưng ngay khi B ngã thì A đã dùng con dao đâm B, xét cho cùng A đã sử dụng con dao một loại hung khí nguy hiểm và còn là công cụ phổ biến trong các vụ giết người để đâm B.
– Mặt chủ quan của tội phạm
Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm lỗi, mục đích và động cơ, trong đó lỗi được phản ánh trong cấu thành tội phạm và là dấu hiệu không thể thiếu được của bất cứ cấu thành tội phạm nào.
Tình huống trên cho thấy lỗi của A là lỗi cố ý gián tiếp.
Về lý trí, A nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi đâm vào đùi B. Nếu chỉ do sự kích động do B có hành vi lùa đàn vịt của mình xuống đoạn mương mà A đã tát cạn thì sẽ không thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì người phạm tội sẽ không nhạn thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện hành vi đó theo bản năng đó không thể tự kiềm chế.
Về ý chí, tuy nhiên hành vi của A là lỗi cố ý gián tiếp do A không mong muốn hậu quả xảy ra là B chết, A dùng dao đâm B biết rõ hậu quả xảy ra và chấp nhận hậu quả xảy ra. Vì vậy trong trường hợp này sẽ truy tố A căn cứ vào hậu quả thực xảy ra là B chết.
Về động cơ phạm tội thì theo tình huống ta thấy được hành vi của B như vậy là không đúng cả về mặt pháp luật cũng như đạo đức, quan hệ giữa con người với nhau. Để có thể tát cạn nước ở đoạn mương là không dễ dàng, công sức của A là không nhỏ và A đã vất vả nhằm mục đích kiếm thức ăn cho đàn vịt của mình nhưng B lại có hành vi chiếm đoạt của A. Hành vi này của B chính là mấu chốt dẫn đến sự tức giận trong A, A đã đuổi đánh B và khi B ngã đã dùng dao đâm B. Tuy nhiên, mục đích của A không phải muốn đâm chết B nhưng A đã bỏ mặc để hậu quả xảy ra.
Như vậy, từ các yếu tố lập luận nêu trên, có thể thấy hành vi của A là hành vi giết người với lỗi cố ý gián tiếp.
Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung mà bạn hỏi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, bạn vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: P.1108 Toà nhà N02 Số 35 Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội. Điện thoại: 0982 205 385/ 0944 555 975.
Trân trọng!
Xem thêm bài viết khác: Cướp giật tài sản có được hưởng án treo không?