Câu hỏi tư vấn: Tôi đang đi hát cùng bạn tôi. Khi đang hát, tôi sơ suất đã để chìa khóa ở bàn. Bạn tôi lấy trộm xe tôi đi cắm. Tôi viết đơn lên Công an huyện thì người đó đã lấy xe của tôi mang đi bán. Công an huyện đã điều tra và xác nhận là đúng sự thật. Nhưng 10 ngày rồi vẫn chưa có chuyển biến. Hiện tại cơ quan công an không giúp tôi lấy lại xe và không bắt người lấy xe tôi thì tôi phải làm như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
Xem thêm bài viết liên quan: Lấy điện thoại người khác mang đi cầm cố có phạm tội không?
Luật sư tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Với thắc mắc của bạn, VPLS An Việt xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội trộm cắp tài sản như sau:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.“
Cấu thành tội trộm cắp tài sản như sau:
– Chủ thể:
+ Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 1, 2 Điều 173 thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.
+ Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 3, 4 Điều 173 thì người phạm tội phải đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.
– Khách thể: xâm phạm đến quyền sở hữu đối với tài sản của chủ sở hữu tài sản, tài sản bị trộm cắp đang thuộc sở hữu hay chịu sự quản lý của chủ sở hữu nhưng bị người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp nhằm chiếm đoạt.
– Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp. Người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản biết tài sản đó đang có người khác quản lý nhưng vẫn muốn tài sản đó thuộc về mình; thực hiện hành vi một cách lén lút không chỉ có rình mò vụng trộm mà còn có thể diễn ra một cách công khai trước sự chứng kiến của nhiều người nhưng những người chứng kiến không biết rằng người phạm tội đang thực hiện hành vi đó nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác.
– Mặt khách quan:
+ Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác, lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết.
+ Có hậu quả xảy ra là tài sản bị chiếm đoạt thuộc một trong các trường hợp:
+) Với những tài sản to lớn, cồng kềnh, người phạm tội phải chuyển được tài sản đó ra khỏi phạm vi cất giữ.
+) Với nhưng tài sản nhỏ, dễ cất giấu, chỉ cần đưa tài sản ra khỏi vị trí cất giữ ban đầu.
+) Với tài sản không có nơi cất giữ riêng, người phạm tội phải đưa tài sản đó ra khỏi địa bàn (địa điểm phạm tội) thì tội mới hoàn thành.\
Theo như thông tin bạn cung cấp thì người bạn của bạn đã lợi dụng sơ hở của bạn đã lấy chiếc xe máy của bạn mang đi bán, hành vi này của bạn bạn đã phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS.
Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố như sau:
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
– Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
– Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
– Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Như vậy, cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm của cá nhân, tổ chức. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tin tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan điều tra trong trách nhiệm của mình điều tra, xác minh nguồn tin để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp có tình tiết phức tạp phải điều tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn, nhưng không quá hai tháng.
Do đó trong trường hợp này, tính từ thời điểm bạn làm đơn tố cáo tới nay là 10 ngày chưa hết thời hạn điều tra, xác minh của cơ quan điều tra. Như vậy bạn cần phải chờ thêm 01 thời gian nữa để cơ quan điều tra xác minh, điều tra. Nếu cơ quan điều tra cố tình kéo dài thời hạn điều tra, bạn có quyền làm đơn khiếu nại tới cơ quan công an để yêu cầu đẩy nhanh quá trình điều tra, xác minh vụ án.
Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung mà bạn hỏi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, bạn vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: P.1108 Toà nhà N02 Số 35 Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội. Điện thoại: 0982 205 385/ 0944 555 975.
Trân trọng!
Xem thêm bài viết liên quan: Thời hạn tạm giam để điều tra vụ án hình sự