Nhờ người khác cầm đồ cho mình nhưng bị mất khi nhận lại thì xử lý thế nào?

Câu hỏi tư vấn: Tôi có nhờ người cầm hộ đồ nhưng khi họ giao lại cho tôi thì tôi phát hiện tôi đã bị mất đồ. Vậy xin hỏi luật sư ai là người chịu trách nhiệm chuyện này. Tôi xin cảm ơn.

Luật sư tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Với thắc mắc của bạn, VPLS An Việt xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Nhờ người khác cầm đồ cho mình nhưng bị mất khi nhận lại thì xử lý thế nào?

Nhờ người khác cầm đồ cho mình nhưng bị mất khi nhận lại thì xử lý thế nào?

Xem thêm bài viết: Xử lý hành vi lợi dụng tình cảm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo như thông tin bạn đưa ra thì chúng tôi hiểu rằng bạn chỉ đơn thuần nhờ người khác giữ đồ của mình, giữa hai bên chỉ ngầm hiểu rằng bên được bạn nhờ sẽ quản lý, trong nom tài sản của bạn trong một thời gian nhất định và không hề có mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Đồng thời, sau khi nhận đồ về thì bạn có phát hiện tài sản của mình nhờ người đó cầm hộ đã bị mất mát một phần.

Khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 về hình thức giao dịch quy định:

Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Đồng thời, quy định về hình thức của hợp đồng dân sự như sau:

– Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.

– Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

          Như vậy, pháp luật quy định có một số hợp đồng nhất định có thể được giao kết bằng lời nói. Nội dung vụ việc của bạn liên quan đến hoạt động gửi giữ tài sản và quy định về Hợp đồng gửi giữ tài sản trong Bộ luật dân sự cũng không có quy định hình thức bắt buộc hợp đồng gửi giữ tài sản.

          Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, giữa bạn và người bạn nhờ trông giữ đồ đã xác lập một hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định của pháp luật. Hướng giải quyết vụ việc như sau: căn cứ theo quy định tại Điều 557 Bộ luật dân sự 2015 thì người giữ tài sản có nghĩa vụ:

– Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

– Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.

– Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.

– Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

          Từ đó có thể thấy, trong trường hợp này trách nhiệm bồi thường phần tài sản bị mất mát trong quá trình gửi giữ thuộc về người nhận gửi giữ, chính là người bạn nhờ trông đồ.

Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng ở đấy đó là việc bạn phải chứng minh sự mất mát về tài sản. Theo nguyên tắc của pháp luật dân sự thì ai có yêu cầu thì cũng có nghĩa vụ chứng minh, đưa ra các bằng chứng cho yêu cầu đó. Cần thấy rằng trong trường hợp của bạn thì việc chứng minh là tương đối khó, bởi tại thời điểm giao kết hợp đồng thì việc cung cấp thông tin về tài sản gửi giữ đã không được bạn thực hiện.

Trong trường hợp giá trị phần tài sản mất mát lớn và không chứng minh được trách nhiệm bồi thường của người cầm giữ thì bạn có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an về hành vi nêu trên. Cụ thể, với những thông tin bạn đưa ra thì chúng tôi cho rằng, hành vi của người bạn nhờ trông giữ tài sản có những dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 như sau; Bộ luật hình sự sửa đổi 2009.

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

          Bạn và người đó đã xác lập hợp đồng gửi giữ tài sản, người đó nhận giữ tài sản của bạn bằng hình thức hợp đồng gửi giữ tài sản rồi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bạn. Nếu giá trị tài sản có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên thì người đó sẽ phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu dưới 4 triệu thì phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự 2015. Bạn cần phải chứng minh được thời điểm bạn nhờ người đó giữ đồ có tài sản của bạn và khi nhận lại đã bị mất tài sản. Bạn có thể làm đơn gửi lên Cơ quan Công an để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.

          Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung mà bạn hỏi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, bạn vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: P.1108 Toà nhà N02 Số 35 Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội. Điện thoại: 0982 205 385/ 0944 555 975.

Trân trọng!

Có thể bạn muốn xem: Vu oan cho người khác bị xử lý như thế nào?

Đánh giá