Tóm tắt câu hỏi:
Em làm việc tại một shop quần áo có khách vãng lai vào xem đồ mua một chiếc áo giá trị trên 5.000.000d và có chuyển khoản liên ngân hàng qua số thẻ từ VPbank sang Techcombank (có chụp lại số tài khoản và màn hình giao dịch). Nhưng khi khách đi em có xem lại thì khách để chế độ đặt lịch đến giờ là hết ngày hôm đó. Đến nay em vẫn chưa nhận được tiền liệu có phải khách đã lừa đảo và huỷ chuyển khoản cho em và em muốn lấy lại tiền bằng cách nào ạ?
Luật sư tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Với thắc mắc của bạn, VPLS An Việt xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Dựa theo thông tin bạn cung cấp, để giải quyết vấn đề của bạn thì cần xem xét theo quy định của Bộ luật hình sư sửa đổi, bổ sung năm 2017 về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 như sau:
“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.…”
Xem xét trong trường hợp của bạn, 03/2018, người khách này đến mua tại cửa hàng của bạn một chiếc áo có giá trị trên 5.000.000 đồng. Tại cửa hàng họ đã thực hiện việc chuyển khoản liên ngân hàng qua số thẻ từ VP bank sang Techcombank, và đã chụp lại số tài khoản và màn hình giao dịch. Dựa vào thông tin bạn cung cấp, bạn nhìn thấy hình ảnh của màn hình giao dịch, số tài khoản nhưng bạn không chắc chắn về việc họ đã thực hiện lệnh chuyển tiền hay chưa, giao dịch này đã thành công hay chưa. Do vậy, khi xem xét về việc họ có phải là người lừa đảo mình hay không sẽ có hai trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Trường hợp màn hình giao dịch mà bạn chụp được cho thấy giao dịch chuyển tiền đã thành công.
Nếu màn hình giao dịch đã cho thấy người kia đã thực hiện việc thành công lệnh chuyển tiền đến tài khoản bạn cung cấp. Trường hợp này cho thấy việc bạn đã hoàn tất việc chuyển tiền. Số tiền mà người này chuyển sẽ được gửi đến tài khoản của bạn.
Đối với trường hợp gửi tiền khác ngân hàng, theo hệ thống liên ngân hàng thì thông thường việc chuyển tiền khác ngân hàng không thể xác định chính xác thời gian người nhận nhận được tiền. Bởi việc chuyển tiền khác ngân hàng thì tùy vào số lượng giao dịch cũng như thời điểm giao dịch mà việc bạn nhận được tiền có thể tới nhanh hay chậm, nhiều ngân hàng có thể sẽ tới ngay nếu có liên kết với nhau. Nếu thời điểm người khách giao dịch chuyển tiền cho bạn mà có số lượng giao dịch nhiều thì việc bạn nhận tiền sẽ muộn hơn, vì việc chuyển tiền còn phụ thuộc vào việc xử lý lệnh của ngân hàng.
Thông thường, nếu người khách kia gửi tiền liên ngân hàng trong buổi sáng thì vài tiếng sau hoặc buổi chiều sẽ tới tài khoản của người nhận. Một số trường hợp khác thì ngày hôm sau sẽ tới. Nếu không phải là ngày lễ, thứ 7, chủ nhật thì thường không quá 03 ngày sẽ đến tài khoản người nhận.
Nếu người khách kia gửi tiền cho bạn qua hệ thống liên ngân hàng trong thời gian buổi chiều thì tùy vào hệ thống, nhưng thường phải sau ngày hôm sau người nhận (là bạn) mới nhận được tiền.
Do vậy, ngày 06/03/2018 khách thực hiện lệnh chuyển tiền thành công vào tài khoản của bạn, nhưng đến 07/03/2018 mà bạn chưa nhận được tiền thì có thể do số lượng giao dịch, cũng như việc liên kết giữa các ngân hàng với nhau mà bạn có thể nhận tiền muộn hơn. Trong trường hợp này, người này không có hành vi lừa dối bạn, cũng không có ý định chiếm đoạt tài sản của bạn nên không đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự với người này theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trường hợp 2: Trường hợp màn hình giao dịch mà bạn chụp được chỉ thể hiện số tài khoản, màn hình giao dịch đang ở chế độ thực hiện lệnh chuyển tiền, mà chưa cho thấy giao dịch đã thành công.
Trong trường hợp này sẽ có hai khả năng xảy ra là người này sẽ thực hiện lệnh chuyển tiền hoặc người này không thực hiện lệnh chuyển tiền.
Nếu người này không hề có ý định chuyển tiền cho bạn để lấy chiếc áo này, nhưng vẫn tạo lập lệnh chuyển khoản, và để cho bạn thấy màn hình giao dịch, cũng như số tài khoản, dẫn đến việc bạn tin tưởng giao cho họ chiếc áo trị giá 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi để bạn xác nhận thì người này đã không nhấn nút chuyển tiền, chuyển khoản để xác nhận việc thực hiện giao dịch, nên bạn đã không nhận được tiền dù nhiều ngày trôi qua. Có thể thấy trong trường hợp này, người này đã đưa ra thông tin gian dối, giả vờ tạo lập lệnh chuyển tiền để khiến bạn tin tưởng mà giao áo, nhằm chiếm đoạt tài sản này của bạn thì căn cứ theo quy định tại Điều 174, người khách này đang có đầy đủ yếu tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 174 với khung hình phạt bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trong trường hợp này, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn cần thực hiện việc tố cáo hành vi của người này lên cơ quan công an. Để đảm bảo yêu cầu của mình là hợp pháp, bạn cần cung cấp những thông tin mà bạn biết về người khách này, như bản ghi hình qua thiết bị camera, hay việc miêu tả về dáng người, quần áo, khuôn mặt, những thông tin khác của người này mà bạn biết.
Nếu người này, khi cho bạn xem là màn hình giao dịch, chưa thực hiện lệnh chuyển tiền nhưng sau đó bạn vẫn nhận được tiền thì trong trường hợp này người này được xác định là không có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bạn.
Như vậy, để giải quyết vấn đề này, bạn cần căn cứ vào tình hình cụ thể để có sự xác định cụ thể và chủ động trong việc tìm kiếm thông tin của người khách này để đảm bảo quyền lợi của mình.
Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung mà bạn hỏi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, bạn vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: P.1108 Toà nhà N02 Số 35 Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội. Điện thoại: 0982 205 385/ 0944 555 975.