Câu hỏi tư vấn: Khi tài sản của mình bị cướp thì mình có được gây thương tích với người có hành vi cướp để lấy lại đồ không? Và mình được làm gì khi gặp bọn cướp tài sản của mình.?
Xem thêm: Cướp giật tài sản có được hưởng án treo không?
Luật sư tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Với thắc mắc của bạn, VPLS An Việt xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự 2015 về tội cướp tài sản như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm…”
Đối với tội cướp tài sản thì xác định tội phạm đã hoàn thành khi có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc trực tiếp dùng vũ lực với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản là đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm chứ không cần tính đến tội phạm đã đạt hay chưa hoặc hậu quả như thế nào.
Khi người phạm tội có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực nhằm cướp tài sản của bạn thì bạn hoàn toàn có quyền phòng vệ của mình, tức là bạn có thể chống trả lại với hành vi đó, tuy nhiên mức độ chống trả sẽ bị giới hạn theo quy định của luật, cụ thể bạn chỉ có quyền chống trả lại hành vi xâm phạm một cách cần thiết, tức là có thể hiểu nó phù hợp với mức độ, cường độ, mà người phạm tội thực hiện hành vi tấn công bạn.
Bạn sẽ không được coi là phòng vệ chính đáng và bạn có thể phải chịu trách nhiệm với hậu quả mình gây ra với trường hợp:
– Phòng vệ quá sớm tức là người khác chưa có hành vi tấn công bạn mà bạn tấn công họ.
– Phòng vệ quá muộn là bạn thực hiện việc chống trả sau khi hành vi cướp đã được thực hiện xong mà không phải chống trả ngay từ lúc người phạm tội thực hiện hành vi đó thì hành vi chống trả của.
– Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: nếu bạn chống trả vượt mức cần thiết, tức là chống trả với mức độ, cường độ mạnh hơn nhiều và không cần thiết dùng mức độ chống trả đó để ngăn cản hành vi tấn công thì bạn cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm với hậu quả do hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng. Căn cứ quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự 2015:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung mà bạn hỏi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, bạn vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: P.1108 Toà nhà N02 Số 35 Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội. Điện thoại: 0982 205 385/ 0944 555 975.
Trân trọng!
Xem thêm bài viết khác: Dùng dao đâm chết người phạm tội gì?