Có được đòi lại tiền nhờ xin việc không?

Câu hỏi tư vấn:

Thời gian trước tôi được người bạn giới thiệu quen biết một Cán bộ phòng Giáo dục của quận tại Hà Nội. Tôi có nhờ người này chạy công chức ngành giáo dục cho tôi tại một trường cấp I tại Hà Nội, và người này đưa ra mức giá là 400 triệu đồng. Tôi đã đưa tiền vào đầu tháng 1/2018 với lời hứa sang tháng 5/2018 sẽ có quyết định vào biên chế. Nhưng cho đến nay đã gần 5 tháng trôi qua nhưng tôi vẫn chưa có quyết định gì. Tôi quyết định không tiếp tục chạy vào công chức nữa và đòi lại số tiền này nhưng người này bảo đang tiến hành thương lượng với những người trong đường dây chạy công chức để lấy lại tiền về cho tôi. Khi đưa tiền tôi không viết giấy biên nhận gì, nhưng tôi có ghi lại video các cuộc gặp nói chuyện, tin nhắn nói chuyện. Vậy tôi có thể đòi lại được tiền của tôi từ người này bằng cách nào, nếu người này cố tình không trả tôi có thể kiện người này với các chứng cứ như trên được không. Tôi có bị truy cứu pháp luật về hành vi của tôi hay không. Trân trọng cảm ơn!.

Có được đòi lại tiền nhờ xin việc không?

Có được đòi lại tiền nhờ xin việc không?

Xem thêm bài viết liên quan: Căn cứ tiến hành tố cáo người trộm cắp tài sản

Luật sư tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Với thắc mắc của bạn, VPLS An Việt xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

          Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự 2015 về Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội như sau:

“Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”

          Trong trường hợp này, giao dịch giữa bạn và người bạn nhờ chạy việc làm là giao dịch trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, cho nên pháp luật không bảo vệ về những giao dịch này. Và theo Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 thì đây là giao dịch dân sự vô hiệu nên các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận khôi phục lại tình trạng ban đầu. Như vậy, bên kia đã nhận được tiền của bạn thì phải trả lại tiền cho bạn.

          Nếu muốn đòi lại số tiền đã đưa cho người chạy việc, bạn có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu người đó phải chịu trách nhiệm dân sự. Khi khởi kiện ra tòa án, để yêu cầu người kia trả lại tiền cho bạn, bạn phải chứng minh được giữa hai bên có sự việc giao nhận tiền. Có thể chứng minh bằng các văn bản giao nhận tiền, tin nhắn giữa các bên về quá trình giao dịch mà bạn đã thực hiện, thỏa mãn các điều kiện của Bộ luật Tố tụng Dân sự về chứng cứ chứng minh. Khi đó, nếu bạn chứng minh được có giao dịch giao nhận tiền giữa bạn và người đó thì tòa án sẽ xem xét và buộc người đó trả lại số tiền cho bạn.

          Tuy nhiên, nếu người này cố tình không trả, người nhận chạy việc có hành vi thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Thủ tục tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đến cơ quan công an, viện kiểm sát như sau

 Hồ sơ gồm có:

– Đơn tố cáo tới Cơ quan Công an và đề nghị khởi tố gửi Viện kiểm sát nhân dân
– Bằng chứng, chứng cứ kèm theo (nếu có).

          Ngoài ra, việc dùng tiền để chạy công chức trong ngành giáo dục của bạn cũng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ theo quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự 2015:

Điều 364. Tội đưa hối lộ

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

 Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung mà bạn hỏi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, bạn vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: P.1108 Toà nhà N02 Số 35 Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội. Điện thoại: 0982 205 385/ 0944 555 975.

Trân trọng!

Xem khác: Bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội có thể hưởng án treo không?

Đánh giá