Câu hỏi tư vấn: Chồng bạn tôi gần đây cứ về đến nhà là hay đánh vợ, có hôm tôi sang chơi thấy xô đẩy bạn tôi cho té đập vào tường vào ghế chứ không dùng tay đánh.còn dùng các lời lẽ mắng chửi hăm dọa bạn tôi. Vì thương hai đứa con nên bạn tôi gắng chịu đựng để tiếp tục chung sống với anh ta. Bạn tôi phải làm gì để không bị chồng đánh đập nữa?
Chồng có hành vi bạo lực gia đình phải làm thế nào?
Bài viết nên xem: Cầm cố vay tiền vay tiền rồi bỏ trốn xử lý thế nào?
Luật sư tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Với thắc mắc của bạn, VPLS An Việt xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Các hành vi được xem là hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
– Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
– Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
– Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
– Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
– Cưỡng ép quan hệ tình dục;
– Cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
– Chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
– Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
– Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Trong trường hợp bạn của bạn có thể:
– Nộp đơn tới Ủy ban nhân dân xã trình bày về việc người vợ bị đánh đập, lăng nhục để cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
– Nếu hành vi bạo lực ở mức độ nghiêm trọng, tàn ác, gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe và tinh thần của người vợ thì bạn có thể nộp đơn tố cáo đến công an về tội cố ý gây thương tích hoặc tội hành hạ người khác theo Bộ luật hình sự.
Đối với hành vi đánh vợ thì cần phải xem xét xem tỉ lệ thương tích cụ thể là bao nhiêu %.
- Nếu tỉ lệ thương tích dưới 11% thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Điểm e, Khoản 3, Điều 5 Nghị đinh 167/2013/NĐ-CP và bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
- Nếu tỉ lệ thương tích trên 11% thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 về Tội cố ý gây thương tích.
“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;…”
- Ngoài ra, người chồng còn có thể bị truy tố về Tội hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật hình sự 2015
“Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm…”
Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung mà bạn hỏi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, bạn vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: P.1108 Toà nhà N02 Số 35 Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội. Điện thoại: 0982 205 385/ 0944 555 975.
Trân trọng!
Xem thêm nội dung khác: Căn cứ tiến hành tố cáo người trộm cắp tài sản