Chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của người lao động khi nghỉ việc. Người lao động có phải trả lại thẻ BHYT cho doanh nghiệp khi nghỉ việc ở công ty không ?
Có nhiều vấn đề cần được quan tâm khi người lao động nghỉ việc, trong đó, không thể bỏ qua sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế. Liệu đồng thời với việc nhận sổ BHXH thì người lao động phải trả lại thẻ BHYT cho doanh nghiệp?
1.CƠ SỞ PHÁP LÝ
-Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014
-Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế
Có 3 trường hợp sau đây phải trả lại thẻ BHYT
Theo quy định tại Điều 20 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014, người tham gia BHYT sẽ phải trả lại thẻ BHYT trong 03 trường hợp:
– Gian lận trong việc cấp thẻ BHYT;
– Người có tên trong thẻ BHYT không tiếp tục tham gia BHYT;
– Cấp trùng thẻ BHYT.
Ngoài ra, trong trường hợp người đi khám, chữa bệnh sử dụng thẻ BHYT của người khác thì thẻ đó sẽ bị tạm giữ cho đến khi chủ thẻ đến nhận lại và nộp phạt theo quy định.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, khi nghỉ việc, người lao động có trách nhiệm trả lại thẻ BHYT cho doanh nghiệp, bởi lúc này, người lao động sẽ không tiếp tục tham gia BHYT tại đơn vị nơi mình làm việc.
Cố tình không trả thẻ bảo hiểm y tế, thẻ BHYT có được sử dụng hưởng chế độ bảo hiểm không?
Nhiều người nghĩ rằng, giữ lại thẻ BHYT để khi khám, chữa bệnh được thanh toán chi phí như thường lệ do vẫn trong thời hạn sử dụng ghi trên thẻ. Tuy nhiên, đây lại là quan niệm hoàn toàn sai.
Bởi theo Điều 47 Quyết định 595/QĐ-BHXH, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT được thực hiện như sau:
– Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đối với người tham gia BHYT đang đóng BHYT và thẻ BHYT còn giá trị sử dụng.
– Không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đối với người tham gia đã báo giảm đóng BHYT nhưng tại thời điểm khám, chữa bệnh thẻ BHYT vẫn còn giá trị sử dụng.
Do đó, trong trường hợp người lao động nghỉ việc, doanh nghiệp sẽ lập danh sách báo giảm lao động gửi cơ quan bảo hiểm xã hội ngay trong tháng (tính đến ngày cuối cùng của tháng). Thẻ bảo hiểm y tế chỉ có giá trị sử dụng đến hết tháng doanh nghiệp báo giảm, còn sau đó, dù cầm thẻ bảo hiểm y tế trên tay nhưng người lao động vẫn không được thanh toán chi phí khi khám, chữa bệnh.
Ví dụ: Người lao động nghỉ việc vào ngày 20/8/2019, doanh nghiệp lập báo cáo giảm người tham gia BHYT vào ngày cuối cùng của tháng là 31/8/2019 thì thẻ BHYT cũng chỉ có giá trị sử dụng đến hết tháng 8/2019.
Để tiếp tục được hưởng các quyền lợi BHYT, người lao động nghỉ việc chỉ có cách tham gia BHYT tự nguyện.
Bài viết tham khảo về chế độ bảo hiểm
CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM THAI SẢN ? ĐIỀU KIỆN HƯỞNG CHẾ ĐỘ THAI SẢN CỦA CHỒNG
CHẾ ĐỘ TAI NẠN LAO ĐỘNG, TAI NẠN KHI NGHỈ PHÉP ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ GÌ
Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung tư vấn pháp luật . Những thông tin pháp lý đăng tải được trả lời bởi các Luật sư , chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên các thông tin, trích dẫn chỉ mang tính chất tham khảo do các văn bản pháp luật dẫn chiếu luôn cập nhật và thay đổi nên có thể hết hiệu lực hoặc được thay thế bằng văn bản khác có hiệu lực tại thời điểm áp dụng; Để được giải quyết các công việc được chính xác và hiệu quả nhất bạn có thể gọi điện thoại qua số Hotline 0944.555.975/ 0982.205.385 hoặc gủi thư thông qua Gmail Luatsuhanoi.info@gmail.com Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, Quý khách vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: Toà nhà N02 – K35 Tân Mai – P. Tương Mai – Q. Hoàng Mai – Tp. Hà Nội.
Trân trọng!