Đe dọa tung video nhạy cảm của người khác thì bị xử lý như thế nào?

Câu hỏi tư vấn: Em bị người yêu cũ đe dọa sẽ gửi cho mọi người video nhạy cảm của mình. Giờ em cảm thấy rất lo sợ. Em nên làm gì để không bị tung những video đó lên mạng.

Luật sư tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Với thắc mắc của bạn, VPLS An Việt xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

     Dựa theo thông tin bạn cung cấp thì hiện nay người yêu bạn đe dọa sẽ tung video nhạy cảm của bạn lên mạng. Trong trường hợp này, người này đang có hành vi xâm phạm quyền về hình ảnh, bí mật riêng tư của bạn.

đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh nCovid-19
đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh nCovid-19

      Về vấn đề bảo vệ quyền về hình ảnh, bí mật riêng tư của cá nhân, hiện nay tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định:

“1, Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

2, Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác…”

Đồng thời, tại Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền đối với hình ảnh, và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau.

“Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1, Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”

Tại khoản 1, khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

1, Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ

2, Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác…”

     Từ những căn cứ được trích dẫn nêu trên, có thể thấy, trong trường hợp của bạn, việc người yêu cũ của bạn dự định tung video có những hình ảnh nhạy cảm, thông tin về đời sống riêng tư của bạn cho những người khác mà không có sự cho phép của bạn. Hành vi này đang xâm phạm quyền về hình ảnh, về bí mật đời sống riêng tư của bạn, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín cá nhân của bạn.

quy định hưởng án treo, các trường hợp không được hưởng án treo
quy định hưởng án treo, các trường hợp không được hưởng án treo

      Với hành vi này, tùy thuộc vào mức độ vi phạm cũng như hậu quả xảy ra thì người đe dọa gửi video nhạy cảm của bạn có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm dân sự hoặc nặng hơn là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Về xử phạt hành chính:

 Nếu người yêu cũ bạn đe dọa, gửi, phát tán, tung video nhạy cảm của bạn khi chưa có sự cho phép của bạn thông qua mạng internet, mạng viễn thông, trang web… nhằm mục đích đe dọa, quấy rối, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của bạn thì trong trường hợp này căn cứ vào điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ- CP, người này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

Về trách nhiệm dân sự:

Trong trường hợp này căn cứ theo khoản 3 Điều 32, khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân thì ngoài việc buộc phải xin lỗi công khai thì còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Về trách nhiệm hình sự:

Trong trường hợp hành vi của người này được thực hiện trên thực tế và xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của bạn thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó.

“Điều 155. Tội làm nhục người khác

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

      Do vậy, từ những căn cứ nêu trên thì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn, đồng thời kịp thời ngăn chặn hành vi của người này, bạn có thể tố cáo lên cơ quan công an nơi người đó đang cư trú. Hoặc trong trường hợp bạn có đầy đủ chứng cứ cho thấy ngoài hành vi đe dọa, người này đã thực hiện việc gửi, lan truyền những video để nhằm mục đích xúc phạm danh dự nhân phẩm của bạn thì bạn có quyền làm đơn tố cáo lên cơ quan công an quận huyện về hành vi làm nhục người khác, hoặc khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại do bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm.

Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung mà bạn hỏi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, bạn vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: P.1108 Toà nhà N02 Số 35 Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội. Điện thoại: 0982 205 385/ 0944 555 975.

Đánh giá