Ép người khác viết giấy vay nợ phạm tội gì?

Tóm tắt câu hỏi: Năm 2014, A có hành vi lấy trộm 20 triệu tiền của B và bị B phát hiện. A đã trả lại B 15 triệu và xin B 5 triệu đồng. Tháng 7/2018, B gặp lại A và thấy A có tiền nên B đã yêu cầu trả số tiền 5 triệu và tính lãi suất đến thời điểm hiện tại và buộc A phải viết giấy vay tiền. B uy hiếp A nếu không viết sẽ giết A. A đồng ý viết giấy vay tiền là 30 triệu đồng và hẹn tới 1 tháng nữa sẽ trả nếu không sẽ lấy xe máy của A. Đến ngày đưa tiền, khi A đưa tiền thì bị công an bắt quả tang. Xin hỏi B bị tội gì. Tôi xin cảm ơn.

Ép người khác viết giấy vay nợ phạm tội gì?
                              Ép người khác viết giấy vay nợ phạm tội gì?

Xem thêm: Có được dùng vũ lực với người có hành vi cướp tài sản

Luật sư tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Với thắc mắc của bạn, VPLS An Việt xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội cưỡng đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Tội cưỡng đoạt tài sản có các dấu hiệu cơ bản sau đây:

– Hành vi khách quan: Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể thực hiện một trong những hành vi khách quan như sau:

+) Hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực: Đe doạ sẽ dùng vũ lực là hành vi có thể dược thực hiện bằng cử chỉ, hành động hoặc bằng lời nói, nhưng dù được thực hiện bằng hình thức nào thì việc dùng vũ lực cũng không xảy ra ngay tức khắc (VD: Đe dọa đánh, dọa đâm…)

+) Hành vi khác để uy hiếp tinh thần người bị hại: Ngoài hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực đối với người có trách nhiệm về tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản, thì người phạm tội còn có thể thực hiện những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản để chiếm đoạt tài sản như: Dọa sẽ hủy hoại tài sản, dọa tố cáo hành vi sai phạm hoặc bí mật đời tư,… 

– Lỗi của người phạm tội: Là lỗi cố ý trực tiếp, nghĩa là người phạm tội biết hành vi của mình là nguy hiểm và mong muốn chiếm đoạt được tài sản của người bị hại.

– Mục đích của người phạm tội: Là chiếm đoạt tài sản của người bị hại

Theo như thông tin bạn cung cấp, năm 2014 A lấy của B 20 triệu sau đó đã trả cho B 15 triệu đồng và xin B 5 triệu đồng. Bạn không nói rõ khi A xin B 5 triệu đồng thì B có đồng ý cho hay không nhưng trong suốt một thời gian dài B cũng không có ý định đòi lại số tiền này. Vì vậy không có đủ căn cứ chứng minh A vay tiền hay nợ B 5 triệu đồng. Hơn nữa mục đích của bạn khi yêu cầu A viết giấy nợ là nhằm chiếm đoạt 30 triệu đồng của A, để A viết giấy vay nợ, B đe dọa gây thương tích cho A. Vậy trong trường hợp này B có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015.

Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung mà bạn hỏi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, bạn vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: P.1108 Toà nhà N02 Số 35 Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội. Điện thoại: 0982 205 385/ 0944 555 975.

Trân trọng!

Xem thêm bài viết khác: Trách nhiệm hình sự khi phạm tội cố ý gây thương tích.

Đánh giá