Gây thương tích cho người khác dưới 11% có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Câu hỏi tư vấn: Ba em bị gia đình nhà A cản đường do trước đó gia đình em và gia đình nhà A có mâu thuẫn và cố ý đánh ba em bị thương. Về mức độ chấn thương thì ba em bị ông A lấy khúc gỗ đánh vào đầu dẫn đến chấn thương nhẹ, bị bầm mắt trái. Sau khi giám định tỷ lệ thương tật thì xác định mức độ thương tật chưa đến 11%. Vậy luật sư cho em hỏi nếu mức độ thương tật chưa đến 11% thì gia đình ông A bị xử lý như thế nào. Em xin cám ơn Luật sư.
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, bố bạn bị người khác gây thương tích và xác định tỉ lệ thương tật là dưới 11%. Trường hợp người gây thương tích cho bố bạn với mức thương tích dưới 11% tuy nhiên ông A đã dùng khúc gỗ đánh vào đầu của bố bạn.
Cầm xem xét vật chứng là khúc gỗ mà ông A dùng để đánh gây thương tích cho bố bạn.
Theo tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn: Về khái niệm “vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác”
Hung khí nguy hiểm của tội cố ý gây thương tích
– Vũ khí là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ).
– Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
– Về công cụ, dụng cụ
Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn…
– Về vật mà người phạm tội chế tạo ra
Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ…
– Về vật có sẵn trong tự nhiên
Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt…
Theo đó nếu xác định khúc gỗ là hung khí nguy hiểm thì ông A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể như sau:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
…”
Như vậy, khi có căn cứ thuộc một trong các trường hợp quy định nêu trên thì để đảm bảo quyền lợi thì gia đình có thể làm đơn gửi cơ quan công an yêu cầu khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích để được giải quyết.
Bên cạnh việc xác định trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành hình sự, ông A còn còn có trách nhiệm bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm cho bố bạn. Việc bồi thường được xác định theo Điều 590 Bộ luật dân sự 2015.
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung tư vấn pháp luật . Những thông tin pháp lý đăng tải được trả lời bởi các chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên các thông tin, trích dẫn chỉ mang tính chất tham khảo do các văn bản pháp luật dẫn chiếu luôn cập nhật và thay đổi nên có thể hết hiệu lực hoặc được thay thế bằng văn bản khác có hiệu lực tại thời điểm áp dụng; Để được giải quyết các công việc được chính xác và hiệu quả nhất bạn có thể gọi điện thoại qua số Hotline 0982.205.385 hoặc gủi thư thông qua Gmail Luatsuhanoi.info@gmail.com Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, Quý khách vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: Toà nhà N02 – K35 Tân Mai – P. Tương Mai – Q. Hoàng Mai – Tp. Hà Nội.
Trân trọng!