Điều kiện hưởng tại ngoại khi bị can, bị cáo có hoàn cảnh khó khăn?
Câu hỏi tư vấn: Luật sư cho em hỏi, chồng em hiện đang bị tạm giam 2 tháng về tội Trộm cắp tài sản. Nay em muốn làm đơn tại ngoại cho chồng em vì gia đình thuộc hoàn cảnh khó khăn, cha bị bại liệt, chồng em là lao động chính trong gia đình, em đang mang thai sắp sinh, em có viết đơn xin cho chồng em tại ngoại có xác nhận của công an. Luật sư có thể tư vấn giúp em được không? Em xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Tại ngoại không phải là một thuật ngữ pháp lý và không được ghi nhận trong văn bản pháp luật. Nó được hiểu là một người đang là đối tượng điều tra trong một vụ án hình sự nhưng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam. Bản chất tại ngoại là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam bao gồm biện pháp bảo lĩnh (Điều 121) và đặt tiền để bảo đảm (Điều 122 và nếu bạn muốn chồng bạn được tại ngoại thì bạn có thể lựa chọn một trong hai biện pháp này.
Điều kiện hưởng tại ngoại khi bị can, bị cáo có hoàn cảnh khó khăn?
Trường hợp 1: Biện pháp bảo lĩnh:
Điều 121 BLTTHS 2015 quy định bảo lĩnh như sau:
“1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
2. Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 02 người. Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.
Trong giấy cam đoan, cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều này. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.
3. Bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;
b) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;
c) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam…”
Theo đó, biện pháp bảo lĩnh được áp dụng cho bị can, bị cáo khi có đủ các điều kiện:
– Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh hay không
– Đối tượng nhận bảo lĩnh:
+ Cá nhân: ít nhất 2 người thân thích của bị can, bị cáo; đủ 18 tuổi trở lên; nhân thân tốt; thu nhập ổn định và có thể quản lý bị can, bị cáo; có giấy cam đoan được chính quyền địa phương xác nhận.
+ Cơ quan, tổ chức: có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
– Nghĩa vụ của người được bảo lĩnh: Có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, không mua chuộc,…
Như vậy, nếu bạn muốn bảo lĩnh cho chồng thì bạn phải tìm thêm một người thân thích nữa của chồng, bạn và người đó có giấy cam đoan được chính quyền địa phương xác nhận và thỏa mãn những điều kiện theo quy định trên thì sẽ được Thủ trưởng/ Phó thủ trưởng cơ quan điều tra xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh. Quyết định này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Điều kiện hưởng tại ngoại khi bị can, bị cáo có hoàn cảnh khó khăn?
Trường hợp: Biện pháp đặt tiền để bảo đảm:
Theo quy định tại Điều 122 BLTTHS 2015 và Điều 3 Thông tư liên tịch 17/2013/TTLT -BTP-BCA- BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC điều kiện để áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm :
“1. Cơ quan tiến hành tố tụng quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bị can, bị cáo phạm tội lần đầu; có nơi cư trú rõ ràng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
b) Bị can, bị cáo có khả năng về tài chính để đặt bảo đảm theo quy định. Đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần mà không có hoặc không đủ tiền để đặt bảo đảm thì xem xét đến khả năng tài chính của người đại diện hợp pháp của họ;
c) Có căn cứ xác định, sau khi được tại ngoại, bị can, bị cáo sẽ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng và không tiêu huỷ, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử;
d) Việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự;
đ) Không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này….”
Điều kiện hưởng tại ngoại khi bị can, bị cáo có hoàn cảnh khó khăn?
Theo đó, nếu xét thấy chồng bạn thỏa mãn điều kiện trên (phạm tội lần đầu có nơi cư trú rõ ràng; thành khẩn khai báo; có khả năng về tài chính để đặt bảo đảm,…) thì sẽ được Thủ trưởng/ Phó thủ trưởng cơ quan điều tra xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm. Quyết định này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Mức tiền được đặt để bảo đảm phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch 17/2013/TTLT -BTP-BCA- BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC.
Như vậy nếu gia đình bạn thuộc hoàn cảnh khó khăn, cha bị bại liệt, chồng bạn là lao động chính trong gia đình, bạn đang mang thai sắp sinh thì đây chỉ là một trong những căn cứ để CQNN có thẩm quyền ra quyết định cho chồng bạn được tại ngoại chứ không phải yếu tố quyết định chính. Muốn chồng bạn được tại ngoại thì bạn phải thỏa mãn những điều kiện theo quy định Điều 121, Điều 122 BLTTHS 2015 và Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp này. Quyết định phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Bài viết tham khảo:
ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG HÌNH PHẠT CẢI TẠO KHÔNG KHÔNG GIAM GIỮ
NGƯỜI HƯỞNG ÁN TREO CÓ ĐƯỢC THAY ĐỔI NƠI CƯ TRÚ KHÔNG
HÌNH PHẠT CHO HÀNH VI LÀM LÂY LAN DỊCH BỆNH THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ
Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung tư vấn pháp luật . Những thông tin pháp lý đăng tải được trả lời bởi các chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên các thông tin, trích dẫn chỉ mang tính chất tham khảo do các văn bản pháp luật dẫn chiếu luôn cập nhật và thay đổi nên có thể hết hiệu lực hoặc được thay thế bằng văn bản khác có hiệu lực tại thời điểm áp dụng; Để được giải quyết các công việc được chính xác và hiệu quả nhất bạn có thể gọi điện thoại qua số Hotline 0944.555.975/ 0982.205.385 hoặc gủi thư thông qua Gmail Luatsuhanoi.info@gmail.com Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, Quý khách vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: Toà nhà N02 – K35 Tân Mai – P. Tương Mai – Q. Hoàng Mai – Tp. Hà Nội.
Trân trọng!