Câu hỏi tư vấn: Cha mẹ tôi mất mà không để lại di chúc. Cha mẹ tôi để lại sổ tiết kiệm. Bố mẹ tôi có 04 người con chung là tôi, 01 em trai và 02 em gái, không nhận con nuôi hay có con riêng, ông bà nội ngoại đều đã qua đời. Chúng tôi thỏa thuận số tiền trong những sổ tiết kiệm này chia đều cho 04 anh em.
Thỏa thuận thừa kế sổ tiết kiệm trong trường hợp không có di chúc
Chúng tôi phải lập thỏa thuận thế nào? Cần làm gì để rút sổ tiết kiệm ngân hàng?
Xem thêm bài viết khác: Thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại
Luật sư tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Với thắc mắc của bạn, VPLS An Việt xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Cha mẹ bạn qua đời không để lại di chúc, theo thông tin bạn cung cấp, ông bà nội ngoại của bạn đều đã qua đời, cha mẹ bạn không được nhận làm con nuôi cũng không nhận con nuôi và không có con riêng. Trong trường hợp này, những người thừa kế theo pháp luật của cha mẹ bạn là 04 người: bạn, 01 em trai và 02 em gái.
Vì các bạn đã thỏa thuận được việc phân chia di sản, nên các bạn cần lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản để thể hiện ý chí của mình về việc phân chia di sản.
Các bước để các bạn thỏa thuận phân chia di sản và rút tiền tiết kiệm:
Bước 1: Lập và công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Văn bản thoản thuận phân chia di sản có nội dung chính sau.
– Họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD/Hộ chiếu, địa chỉ thường trú của các đồng thừa kế;
– Thông tin của cha mẹ bạn (CMND/CCCD, Giấy chứng tử);
– Thông tin di sản;
– Thỏa thuận của các đồng thừa kế về việc phân chia di sản.
Sau khi thỏa thuận được nội dung của Văn bản phân chia di sản. Các bạn tới cơ quan công chứng để công chứng văn thỏa thuận phân chia di sản.
Các bạn cần chuẩn bị bản chính những giấy tờ sau:
– Giấy chứng tử của cha mẹ;
– Giấy khai sinh/Lý lịch thể hiện việc của các đồng thừa kế;
– CMND/CCCD/Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng, Sổ hộ khẩu của các đồng thừa kế;
– Sổ tiết kiệm của cha mẹ bạn;
– Văn bản thỏa thuận phân chia di sản (chưa ký).
Ngoài ra, các bạn có thể ủy quyền cho một trong các đồng thừa kế, thay mặt các bạn đi rút sổ tiết kiệm tại ngân hàng.
Bước 2: Rút sổ tiết kiệm.
Hồ sơ rút sổ tiết kiệm gồm:
– Văn bản thỏa thuận phân chi di sản thừa kế;
– Giấy chứng tử, CMND/CCCD của mẹ bạn;
– Sổ tiết kiệm đứng tên cha mẹ bạn;
– Giấy khai sinh của các đồng thừa kế;
– CMND/CCCD/Hộ chiếu, Sổ hộ khẩu của các đồng thừa kế;
– Văn bản ủy quyền (nếu có).
Sau đó, các bạn nộp hồ sơ này cho ngân hàng nơi cha mẹ mình gửi tiền tiết kiệm. Sau khi thẩm định hồ sơ, Ngân hàng sẽ có trách nhiệm trả tiền cho các bạn.
Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung mà bạn hỏi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, bạn vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: P.1108 Toà nhà N02 Số 35 Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội. Điện thoại: 0982 205 385/ 0944 555 975.
Trân trọng!
Xem thêm bài viết khác: Vay tín chấp không có khả năng trả nợ bị ngân hàng khởi kiện