Hòa giải trong vụ án dân sự

Câu hỏi tư vấn: Tôi muốn được biết: Hòa giải trong vụ án dân sự là gì? Trong vụ án dân sự, tòa án tiến hành hòa giải như thế nào?

Hòa giải trong vụ án dân sự

Hòa giải trong vụ án dân sự

Luật sư tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Với thắc mắc của bạn, VPLS An Việt xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Xem thêm bài viết liên quan: Vay tín chấp không có khả năng trả nợ bị ngân hàng khởi kiện

Trước hết, về khái niệm hòa giải.

Hòa giải là hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa. (Từ điển tiếng Việt của Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội phát hành năm 1995)

Hòa giải cũng là giải quyết các tranh chấp, bất đồng giữa hai hay nhiều bên tranh chấp bằng việc các bên dàn xếp, thương lượng với nhau có sự tham gia của bên thứ ba (không phải là bên tranh chấp). Hòa giải còn được hiểu ở góc độ rộng hơn là một quá trình, trong đó bên thứ ba giúp hai bên tranh chấp ngồi lại với nhau để cùng giải quyết vấn đề của họ. (Theo Hiệp hội hoà giải Hoa kỳ)

Hòa giải trong tố tụng dân sự có thể được hiểu như sau:

Sau khi thụ lý vụ án, để giải quyết vụ án tòa án tiến hành giải thích pháp luật, giúp đỡ các đương sự giải quyết mâu thuẫn, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết các vấn đề của vụ án dân sự (VADS) có tranh chấp. Hoạt động này của tòa án được gọi là hòa giải VADS. Hòa giải vụ án dân sự là hoạt động tố tụng do tòa án tiến hành nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án dân sự.

Cơ sở của hòa giải VADS là quyền tự định đoạt của các đương sự. Để giải quyết VADS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, tòa án không chỉ xét xử mà còn hòa giải VADS. Điều 10 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS) quy định, tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật này.

Tuy nhiên, không phải VADS nào tòa án cung bắt buộc phải tiến hành hòa giải, điều này được quy định tại Điều 206, Điều 207 BLTTDS

Điều 206. Những vụ án dân sự không được hoà giải

Yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

Những vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.”

Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hoà giải được

Bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.

Đương sự không thể tham gia hoà giải được vì có lý do chính đáng.

Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.”

Hoạt động hòa giải được tiến hành trước khi xét xử sơ thẩm VADS. Tuy nhiên, theo các Điều 220, Điều 270 BLTTDS thì tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, tòa án cũng hỏi các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết VADS.

Thành phần và thủ tục hòa giải:

Trong vụ án dân  sự, buổi hòa giải được gọi là phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

– Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (Điều 208 BLTTDS)

+ Trước khi tiến hành phiên họp, Thẩm phán phải thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp.

+ Thành phần tham gia phiên họp gồm có: Thẩm phán chủ trì phiên họp; Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên họp; Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Người phiên dịch trong trường hợp đương sự không biết tiếng Việt.

– Tiến hành hòa giải: (Điều 209 BLTTDS)

+ Thẩm phán phổ biến cho các đương sự về các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các đương sự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án;

+ Nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày nội dung tranh chấp, bổ sung yêu cầu khởi kiện; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu khởi kiện và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án;

+ Bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố; những căn cứ để phản đối yêu cầu của nguyên đơn; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu phản tố của mình và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án;

+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn; trình bày yêu cầu độc lập của mình; những căn cứ để phản đối yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu độc lập của mình và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án;

+ Người khác tham gia phiên họp hòa giải phát biểu ý kiến;

+ Sau khi các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày hết ý kiến của mình, Thẩm phán xác định những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất và yêu cầu các đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất;

+ Thẩm phán kết luận về những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất.

– Kết thúc hòa giải:

Sau khi các đương sự đã trình bày toàn bộ ý kiến, thống nhất và không thống nhất bất cứ nội dung, Tòa án tiến hành lập biên bản về việc hòa giải.

Trường hợp các bên hòa thỏa thuận được toàn bộ về việc giải quyết vụ án, Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. (Điều 212 BLTTDS)

Hết thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Quyết định này có hiệu lực ngày sau khi được ban hành.

Trên đây là phần nội dung tư vấn của Ban tư vấn – Văn Phòng Luật Sư An Việt – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về nội dung mà bạn hỏi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp tư vấn thêm, bạn vui lòng trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: P.1108 Toà nhà N02 Số 35 Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội. Điện thoại: 0982 205 385/ 0944 555 975.

Trân trọng!

Xem thêm bài viết liên quan:  Thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại

 

Đánh giá